Được sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT TP Cà Mau, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai thành phố Cà Mau, rất hân hạnh và tự hào khi được đón tiếp các đ/c lãnh đạo phòng GD&ĐT cùng quý Thầy, cô là CBQL các điểm trường thuộc huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk về thăm và giao lưu với các điểm trường thuộc Phòng GD&ĐT thành phố Cà Mau.
Trong buổi giao lưu, trao đổi Lãnh đạo hai Phòng GD&ĐT đã thống nhất một số giải pháp để thực hiện việc chuyển đổi số trong nhà trường:
- Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong nhà trường: cần thực hiện nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục.
Thầy Nguyễn Văn Bé - Chuyên viên Phòng GD&ĐT TP Cà Mau
- Hai là, tăng cường Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cho toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong nhà trường. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
- Ba là, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong cơ sở giáo dục: cần chú trọng về triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ, từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử để giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Hoàn thiện, đồng bộ cơ sở hạ tầng mạng Internet, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực để phục vụ công tác dạy và học; tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các đối tượng có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.
Thầy Tạ Đức Hùng - Hiệu Trưởng trường THCS nguyễn Thị Minh Khai, TP Cà Mau
- Bốn là, tăng cường thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy và học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu,…); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với CSDL ngành, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các đối tượng HS; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên và học sinh phát triển các khóa học trực tuyến mở; triển khai hệ thống học tập trực tuyến phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học trực tuyến.
- Năm là, nâng cấp kết cấu hạ tầng mạng Internet, trang thiết bị công nghệ phải được đổi mới, đặc biệt là khu vực có kết nối kém giúp thu hẹp được khoảng cách khu vực. Tăng cường kết hợp công nghệ như Big data, với cơ sở dữ liệu số của ngành GD&ĐT, nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.
- Sáu là, hoàn thiện về hệ thống pháp lý và ứng dụng các phần mềm quản lý: hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong quản lý giáo dục cũng như đảm bảo quyền lợi cho người học. Theo đó, phải thống nhất các quy định về: khai thác và chia sẻ dữ liệu; hình thức trong giảng dạy; quản lý hiệu quả khóa học trực tuyến. Chuyển đổi số trong giáo dục thực hiện bằng cách ứng dụng phần mềm quản lý, chính là giải pháp được nhiều nhà trường áp dụng hiện nay.
Thầy Nguyễn Cường - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Pắc, Đắk Lắk.
- Bảy là, cần hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng, xác định và dự báo đúng các thách thức về vấn đề đặt ra để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh buổi giao lưu
Quang cảnh buổi giao lưu